Chị Vân Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) – chủ một cửa hàng thực phẩm nhập khẩu – cho biết chị không rõ vì sao người ta có thể nhập khẩu được thịt bò Úc với giá siêu rẻ và về bán ra thị trường với giá 100 nghìn đồng/kg thịt ba chỉ bò Úc.
Trong khi đó, sản phẩm tương tự của cửa hàng chị Vân Anh đang bán với giá 200 nghìn đồng/kg, ba chỉ bò Mỹ là 260 nghìn đồng/kg.
Khi chị Vân Anh đặt thử mua trên mạng về test thì không thể ăn nổi vì thịt bò dai, hôi và có nhiều điểm đen. Chị Vân Anh cho rằng đây là hàng kém chất lượng, tồn kho hoặc là hàng trâu Ấn Độ vì dai, không mềm như các loại ba chỉ bò của Úc, Mỹ.
Tương tự ba chỉ bò, các loại nạm bò hay lõi thăn, bắp hoa bò cũng được bán với giá siêu rẻ trên các trên mạng xã hội.
Ví dụ trên nhóm Mua may bán nhanh với trăm nghìn thành viên, những người bán hàng chào bán bắp bò hoa nguyên chiếc chỉ có giá 120 nghìn đồng/kg. Trong khi bắp bò ở chợ truyền thống đã có giá 250 nghìn đồng/kg.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay nguồn cung thịt bò của các hộ chăn nuôi trong nước chỉ chiếm 10 – 20 % nhu cầu thịt bò của thị trường, còn lại thịt bò được nhập khẩu.
Việc nhập khẩu thịt bò có thể nhập theo nhiều con đường khác nhau, phần nhỏ nhập khẩu theo đường biên giới bằng đường bộ khoảng hơn 100 nghìn con bò mỗi năm và nhập khẩu thịt bò đông lạnh từ các nước khác.
Chị Trịnh Thị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) – người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, cho biết các loại thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam như bò Úc, hay bò Mỹ cũng không thể có giá rẻ như vậy.
Thịt bò Úc là một sản phẩm đã được người sử dụng trên thế giới ưa chuộng từ lâu. Trong quá trình nhập khẩu, người nhập khẩu bò Úc không chỉ bỏ ra số tiền để mua bò hơi về mà còn phải đóng thuế, thêm vào đó còn phải thêm quá trình giết mổ trước khi đem ra thị trường.
Trường hợp giá bò chỉ hơn 100.000 đồng/1 kg sản phẩm là không có thật.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban an toàn thực phẩm, TP.HCM, hiện nay trước vấn nạn thực phẩm nhập khẩu còn “tranh sáng, tranh tối” bà khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua hàng tại những nơi uy tín để tránh mua được những thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình chọn loại thịt bò cho gia đình, người dùng nên sáng suốt lựa chọn loại thực phẩm phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình. Không nên vì giá thành rẻ mà lựa chọn những sản phẩm kém chất lượng.
Hiện nay các lực lượng chức năng trong cả cả nước liên tục phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan tới hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Ngày 16/12, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết thực phẩm tại ngõ 147A Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ, lực lượng chức năng thu giữ 300kg thực phẩm đông lạnh gồm nội tạng động vật, thịt động vật, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Các sản phẩm này đều có điểm chung là: Không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định đồng thời đều có xuất xứ từ nước ngoài.
Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì khó phát hiện số hàng này là thực phẩm “bẩn”, nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn 1 năm, thậm chí 2 năm.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, tập kết, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ…;
Nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao dịp Tết, như: Thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm nhập lậu; bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá nhập lậu…
Tuy nhiên, những thực phẩm “bẩn” trà trộn, nguy cơ gây hại cho sức khỏe bản thân và gia đình.